You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (36)

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (36)

Ấy Là Luật Pháp Và Lời Tiên Tri

Ma-thi-ơ 7:12

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo Ma-thi-ơ 7:7 – 11, hôm nay chúng ta tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp:

Ma-thi-ơ 7:12 12 Bởi vậy, bất cứ điều gì mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là Luật Pháp và lời tiên tri.

Lời Dạy Này Của Chúa Giê-su Là Cao Siêu Hơn Hết

Câu nói này của Chúa Giê-su là cao siêu hơn lời dạy của các tôn giáo và các triết gia đông phương và tây phương. Các tôn giáo như Đạo Do Thái, Ấn Độ Giáo, Phật Giáo và các triết gia Hy Lạp, Nhà Nho Khổng Tử cũng có lời dạy tương tự như vậy, nhưng bằng hình thức tiêu cực: “Điều gì mà các ngươi không muốn người ta làm cho mình, thì đừng làm điều đó cho họ.” Nhưng lời dạy của Chúa Giê-su là bằng hình thức tích cực: “bất cứ điều gì mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì hãy làm điều đó cho họ.”

Căn cứ theo lời dạy của các tôn giáo và các triết gia, chúng ta đều không muốn bị người khác nói xấu phỉ báng, thì đừng phỉ báng nói xấu người khác; chúng ta không muốn bị người khác áp bức, thì đừng áp bức người khác; chúng ta không muốn bị người khác khinh bỉ, thì đừng khinh bỉ người khác v.v.

Mà căn cứ theo lời dạy của Chúa Giê-su, chúng ta đều muốn người khác yêu thương mình, thì hãy đi yêu thương người khác; chúng ta muốn người khác giúp đỡ mình, thì hãy đi giúp đỡ người khác v.v.

Lẽ dĩ nhiên lời dạy của Chúa Giê-su là cao siêu hơn nhiều, và cũng khó khăn hơn lời dạy của tất cả các tôn giáo và các triết gia trên thế giới. Nếu chúng ta làm không nổi lời dạy của các tôn giáo và các triết gia, thì ta chắc làm không nổi lời dạy của Chúa.

Tại Sao Chúng Ta Muốn Thực Hành Lời Dạy Này Của Chúa Giê-su?

Thực hành lời dạy này của Chúa Giê-su là khó khăn vô cùng, vậy tại sao ta muốn thực hành lời dạy này của Chúa? Có phải là tại vì Chúa nói vậy, nếu chúng ta không vâng giữ thì ta sợ rằng mình sẽ bị trừng phạt và không được cứu chuộc. Có phải như vậy không?

Hỡi các bạn ơi, cuộc sống của Tín Đồ Cơ Đốc không phải là kinh hoàng sợ sệt, nhưng là đầy dẫy cảm tạ yên vui. Chúng ta ham muốn vâng giữ lời dạy của Chúa Giê-su là vì ân huệ tình thương của Chúa Trời Đức Gia-vê đã cảm hóa tâm hồn của ta, cho nên chúng ta ước ao vâng giữ lời dạy của Ngài để làm đẹp lòng Ngài. Này là tương tự như cha mẹ rất yêu thương con cái, cho nên con cái cảm tạ tình yêu thương của cha mẹ và muốn làm đẹp lòng của cha mẹ vậy.

Trước câu Ma-thi-ơ 7:12 là cả một đoạn Kinh Thánh dài Ma-thi-ơ 7:7 – 11, trong đó Chúa Giê-su răn dạy chúng ta nên cầu xin, tìm kiếm và gõ cửa. Chúa nói rằng khi chúng ta cầu xin, thì sẽ được Chúa Trời Gia-vê ban cho; khi chúng ta tìm kiếm thì Chúa Trời sẽ cho ta tìm được; và khi chúng ta gõ cửa thì cửa sẽ mở cho ta. (Xin đọc bài giảng “Cầu Xin, Tìm Kiếm Và Gõ Cửa” để hiểu rõ lời giải thích của đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 7:7 – 11) Nếu hàng ngày chúng ta vâng theo lời dặn của Chúa Giê-su mà cầu xin, tìm kiếm và gõ cửa, thì ta sẽ kinh lịch quyền năng ân điển của Chúa Trời hàng ngày. Tình yêu thương của Ngài biến hóa tâm hồn của ta, ta muốn đi yêu thương người khác tựa như Ngài đã yêu thương chúng ta vậy:

2 Cô-rinh-tô 1:3 – 4 3 Chúc tụng Chúa Trời và Đức Cha của Chúa Giê-su Christ chúng ta, là Đức Cha hay thương xót và là Chúa Trời ban mọi sự yên ủi. 4 Ngài yên ủi chúng ta trong mọi cơn hoạn nạn, hầu cho nhờ sự yên ủi mà chúng ta đã nhận được từ Ngài mà chúng ta có thể yên ủi những người khác trong mọi cơn hoạn nạn họ gặp!

Đoạn Kinh Thánh trên 2 Cô-rinh-tô 1:3 – 4 nói rằng khi chúng ta gặp cơn hoạn nạn, Chúa Trời yên ủi ta. Khi chúng ta thấy người khác gặp cơn hoạn nạn, ta có thể yên ủi họ cũng như Ngài đã yên ủi ta vậy.

2 Cô-rinh-tô 5:14 – 15 14 Vì tình yêu thương của đấng Christ thúc đẩy chúng tôi, và chúng tôi nghĩ rằng một người đã chết vì mọi người, cho nên mọi người đều chết. 15 và Chúa đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho đấng đã chết và sống lại vì mình.

Đoạn Kinh Thánh trên 2 Cô-rinh-tô 5:14 – 15 dạy rằng vì tình yêu thương chúng ta mà Chúa Giê-su Christ đã chịu chết vì ta. Tình yêu thương này thúc đẩy chúng ta, khiến ta vui lòng chết về tội lỗi, và quyết tâm từ nay trở đi ta không còn sống cho thích thú lợi ích của mình nữa, nhưng ta sống cho đấng đã chết và sống lại, tức là Chúa Giê-su Christ. Khi chúng ta sống cho Chúa Giê-su Christ, thì lẽ dĩ nhiên ta muốn vâng giữ lời dạy của Chúa và làm những việc Chúa đã làm.

Này là lý do đầu tiên chúng ta muốn thực hành lời dạy của Chúa Giê-su: “bất cứ điều gì mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì hãy làm điều đó cho họ,” vì ân điển tình yêu thương của Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su Christ cảm hóa tâm hồn ta, khiến ta quyết tâm thực hành lời dạy của Chúa.

Còn lý do thứ hai là chúng ta đối đãi người khác thể nào, thì Chúa Trời cũng đối đãi chúng ta cùng một thể ấy.

Thi Thiên 18:24 – 26 24 Bởi vậy, Gia-vê đã báo tôi tùy theo sự công nghĩa của tôi, tùy theo sự thánh sạch của tay tôi trước mặt Ngài; 25 Với người nhân từ, Chúa tỏ mình nhân từ; Với người trọn vẹn, Chúa tỏ mình trọn vẹn; 26 Với người trong sạch, Chúa tỏ mình trong sạch; Với kẻ xảo quyệt, Chúa sẽ tỏ mình xảo quyệt.

Đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng Chúa Trời Đức Gia-vê đối đãi chúng ta giống như phương cách ta đối đãi người khác. Nếu chúng ta sống cuộc đời công nghĩa, thì Chúa Trời sẽ báo trả cho ta. Chúng ta đối đãi người khác một cách nhân từ thì Chúa Trời cũng đối đãi nhân từ với ta. Nếu chúng ta là người trong sạch, Ngài sẽ bày tỏ cho ta thấy sự trong sạch; nếu chúng ta là người xảo quyệt, thì Ngài sẽ cho ta kinh lịch sự xảo quyệt.

Lu-ca 6:37 – 38 37 Ðừng xét đoán ai, thì các ngươi sẽ không bị xét đoán; đừng lên án ai, thì các ngươi sẽ không bị lên án; hãy tha thứ, thì các ngươi sẽ được tha thứ. 38 Hãy cho, thì các người sẽ được ban cho. Họ sẽ đong đấu đầy, nét chặt, lắc xuống, thêm cho đầy tràn mà đổ vào trong lòng các ngươi. Vì các ngươi lường mực nào, thì các ngươi sẽ được lường lại mực ấy.

Đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng khi chúng ta không xét đoán người khác, thì ta sẽ không bị Chúa Trời xét đoán; khi chúng ta không lên án ai, thì Ngài cũng không lên án ta; khi chúng ta tha thứ người ta, thì Ngài cũng tha thứ ta. Nếu chúng ta tặng cho người khác, thì Chúa Trời sẽ tặng lại cho ta. Chúng ta lường cho người ta mực nào, thì Ngài cũng lường lại cho ta mực ấy. (Xin đọc bài giảng “Xét Đoán Và Nhận Thức” để hiểu rõ ý nghĩa của “xét đoán”)

Hai đoạn Kinh Thánh trên Thi Thiên 18:24 – 26 và Lu-ca 6:37 – 38 cho ta thấy rằng chúng ta đối đãi người khác thể nào, thì Chúa Trời đối đãi chúng ta cùng một thể ấy. Khi chúng ta vâng giữ lời dạy của Chúa Giê-su: “bất cứ điều gì mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì hãy làm điều đó cho họ,” rốt cuộc chính Chúa Trời sẽ làm cho ta những điều mà ta muốn người khác làm cho mình.

Làm Sao Mà Chúng Ta Có Thể Thực Hành Lời Dạy Này Của Chúa Giê-su?

Bạn có muốn thực hành lời dạy này của Chúa Giê-su không? Tôi không phải hỏi bạn có thể thực hành lời dạy này của Chúa hay không. Không ai có thể thực hành lời dạy của Chúa bằng khả năng của mình. Nhưng tôi hỏi bạn có ước ao thực hành lời dạy này của Chúa hay không?

Nếu bạn không muốn thực hành lời dạy này của Chúa Giê-su, thì bài giảng này của tôi là hoàn toàn vô lý đối với bạn. Còn về phần tôi, tôi thì rất hăng say về lời dạy của Chúa, và tôi ham muốn thực hành tất cả lời dạy của Chúa, nhưng không phải bằng khả năng của tôi, mà nhờ vào ân điển lực lượng của Chúa Trời Đức Gia-vê.

Nếu bạn muốn thực hành lời dạy này của Chúa Giê-su, thì bạn phải cầu xin Chúa Trời Đức Gia-vê giúp đỡ bạn làm 3 điều này:

1. Chúng ta phải bỏ quên thích thú lợi ích của mình

Đầu tiên bạn phải bỏ quên thích thú lợi ích của mình.

Tôi chịu phép báp-tem vào năm 1983, trong ba mươi mấy năm nay tôi đi theo Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su Christ, cho dù khó khăn đến đâu đi nữa, tôi ráng vâng giữ lời dạy trong Kinh Thánh. Nhiều lúc tôi thấy buồn khổ trong lòng, tôi muốn ở một mình trong nhà, tôi không muốn làm việc gì hết, tôi muốn người khác đến yên ủi tôi. Nhưng tôi bỏ quên sự buồn khổ của mình mà đi yên ủi những người còn buồn khổ hơn tôi. Rốt cuộc chính Chúa Trời Đức Gia-vê yên ủi tôi.

Chồng tôi và tôi bắt đầu rao truyền Tin Lành vào năm 1989, trong hai mươi mấy năm nay tôi thường bị người khác cười nhạo, tôi thấy khó mà yêu thương họ. Nhưng tôi bỏ quên cảm xúc của mình, tôi cầu xin Chúa Trời ban cho tôi lực lượng để tiếp tục truyền giảng chân lý cho họ. Ngài ban lực lượng cho tôi, và tôi có thể tiếp tục giúp đỡ họ. Sau cùng tình yêu thương của tôi cảm hóa những kẻ cười nhạo tôi, và chính Chúa Trời Đức Gia-vê ban phần thưởng cho tôi.

Này là điểm đầu tiên, nếu chúng ta muốn thực hành lời dạy: “bất cứ điều gì mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì hãy làm điều đó cho họ”, thì chúng ta phải bỏ quên lợi ích thích thú của mình.

2. Chúng ta phải thấu hiểu nhu cầu của người khác và thông cảm với đau thương của họ

Điểm thứ hai là bạn phải thấu hiểu nhu cầu của người khác và thông cảm với đau thương của họ.

Ở phần trên tôi nói rằng tôi bỏ quyên sự buồn khổ của mình mà đi yên ủi những người buồn khổ. Nhưng tôi phải biết ai là người buồn khổ, và họ buồn khổ vì chuyện gì. Chỉ có Chúa Trời hiểu rõ tâm trạng của mỗi một người, nếu chúng ta muốn thấu hiểu nhu cầu và đau thương của người khác thì ta phải cầu xin Chúa Trời khải thị cho ta biết; và ta còn phải cầu xin Ngài ban cho ta trí tuệ để giúp đỡ họ.

Bởi vậy chúng ta cần phải giao thông thường xuyện với Chúa Trời. Chúng ta cầu nguyện không phải vì lợi ích của mình, nhưng vì lợi ích của người khác.

3. Chúng ta yêu thương người khác như mình, thậm chí còn hơn chính mình

Chúng ta hãy ngẫm nghĩ về hai điểm kể trên. Đầu tiên, chúng ta bỏ quên lợi ích thích thú của mình để chăm lo cho lợi ích thích thú của người khác; thứ hai chúng ta thường xuyên cầu xin Chúa Trời, nhưng không phải vì chính mình, mà vì nhu cầu và đau thương của người khác. Vậy chúng ta yêu thương người khác như mình, thậm chí còn hơn chính mình nữa.

Chúng ta không bao giờ làm nổi lời dạy này của Chúa Giê-su bằng khả năng của mình. Nhưng khi chúng ta quyết tâm vâng giữ lời dạy của Chúa, chúng ta cầu xin Chúa Trời giúp đỡ ta thì Ngài sẽ ban ân điển cho ta. Bạn có muốn cầu xin Chúa Trời giúp đỡ bạn về 3 điểm này không?

  • bỏ quên lợi ích thích thú của mình để lo cho lợi ích thích thú của người khác
  • thấu hiểu nhu cầu của người khác và thông cảm với đau thương của họ
  • yêu thương người khác như mình, thậm chí còn hơn chính mình nữa

Ấy Là Làm Trọn Vẹn Luật Pháp Và Lời Tiên Tri

Chúa Giê-su nói rằng: “Ấy là Luật Pháp và lời tiên tri.” Khi chúng ta thực hành lời dạy này thì tức là làm trọn vẹn Luật Pháp và lời tiên tri.

Ở phần trên tôi đã nói rằng:

  • Sở dĩ chúng ta quyết tâm vâng giữ lời dạy này là tại vì ta yêu mến Chúa Trời và ta muốn làm đẹp lòng Ngài. Bởi vậy khi chúng ta vâng giữ lời dạy này thì chứng tỏ rằng ta hết lòng, hết ý yêu mến Ngài.
  • Hơn nữa, nếu chúng ta muốn thực hành lời dạy này thì ta phải quyết tâm yêu thương người khác như mình, thậm chí còn hơn chính mình nữa.

Tất cả các điều răn trong Luật Pháp và lời dạy của các nhà tiên tri đều nhằm vào mục đích là dạy bảo chúng ta hết lòng, hết ý yêu mến Chúa Trời và yêu thương người lân cận như mình. Bởi vậy khi chúng ta hết lòng, hết ý yêu mến Chúa Trời và yêu thương người lân cận như mình thì tức là đã làm trọn vẹn Luật Pháp và lời tiên tri (Xin đọc 3 bài giảng “Hết Lòng, Hết Linh Hồn, Hết Sức, Hết Trí Mà Kính Mến Gia-vê Chúa Trời Ngươi”, “Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình (1)” và “(2)”):

Ma-thi-ơ 22:35 – 40 35 Có một thầy dạy Luật trong nhóm ấy hỏi câu này để thử Chúa: 36 “Thưa thầy, trong Luật Pháp điều răn nào là lớn hơn hết?” 37 Chúa Giê-su đáp rằng: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Chúa Trời ngươi. 38 Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. 39 Còn điều răn thứ hai cũng như vậy: Ngươi hãy yêu thương người lân cận như mình. 40 Hết thảy Luật Pháp và lời tiên tri đều dựa vào hai điều răn này mà ra.”

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church