You are here

Bài Làm Chứng (6)

Bài Làm Chứng Của Mục Sư Trương Hy Hòa (1)

Tôi Nhận Biết Đức Chúa Trời Như Thế Nào


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Tiểu Sử Của Mục Sư Trương Hy Hòa (viết bởi Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền)

Mục sư Trương Hy Hòa là ông thầy của tôi. Chồng tôi và tôi theo học khóa huấn luyện Kinh Thánh của Mục sư từ năm 1989 – 1990. Mục Sư Trương Hy Hòa là người Trung Quốc, sanh ở Thương Hải vào năm 1934. Mục sư nhận biết Đức Chúa Trời vào năm 1953 sau một đợt sự kiện xảy ra trong cuộc đời của ông. Chúa Trời dắt đưa mục sư rời khỏi Trung Quốc vào năm 1956. Ông theo học tại Học Viện Kinh Thánh ở Glasgow, xứ Ê-cốt của nước Anh. Ông tốt nghiệp vào năm 1959. Ông hiệu trưởng của Học Viện Kinh Thánh khuyến khích ông Trương tiếp tục theo đuổi việc học tập Kinh Thánh. Rồi ông Trương đi Luân Đôn học tại Học Viện Kinh Thánh Luân Đôn. Ông Trương tốt nghiệp ở Đại Học Luân Đôn, chương trình Văn Chương và Thần Học.

Đức Chúa Trời hướng dẫn ông Trương đi trông nom một Hội Thánh ở Liverpool. Khi phụng sự ở Liverpool, ông Trương được thụ chức mục sư bởi ông hiệu trưởng của Học Viện Kinh Thánh ở xứ Ê-cốt. Vài năm sau mục sư Trương được mời đi trông nom một Hội Thánh ở Montréal, Canada, Chúa Trời ban phước cho phụng sự của ông Trương, một Hội Thánh nhỏ của mục sư được phát triển thành ra một nhóm gồm chừng 25 Hội Thánh hôm nay. Qua ân điển của Chúa, các Hội Thánh này tiếp tục trưởng thành dưới quyền phép của Chúa Trời, Chúa Giê-su là Đầu của Hội Thánh.

Sau khi giới thiệu sơ qua tiểu sử của Mục sư Trương, bây giờ ta bắt đầu đi vào bài làm chứng của Mục sư Trương Hy Hòa, sau đây là lời tự thuật của Mục sư Trương.

Tôi Nhận Biết Đức Chúa Trời Như Thế Nào

Có nhiều người hỏi tôi về những kinh lịch của tôi trong Đức Chúa Trời, bởi vậy tôi nhân dịp này kể lại những kinh lịch đó để làm chứng cho Chúa. Hôm nay tôi sẽ nói về hai khía cạnh trong đời sống Tín Đồ Cơ Đốc của tôi: Tôi trở thành một Tín Đồ Cơ Đốc như thế nào và tôi bắt đầu phụng sự Chúa như thế nào. Mà hai khải cạnh này thì không tách rời nhau được.

Khi các bạn và các anh chị em lắng nghe câu chuyện của tôi, tôi mong rằng quí vị hãy để ý vào những công việc Chúa Trời làm. Tôi sợ rằng khi người ta nghe những câu chuyện làm chứng cho Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-su, thì người ta lại để ý vào người kể chuyện thay vì để ý vào Chúa. Nếu quí vị chỉ say mê nghe những kinh lịch đó thì quí vị sẽ không thấy được những sự kiện quan trọng. Nhưng nếu qua những chuyện Chúa Trời đã làm trong đời tôi mà quí vị cảm động và nói rằng: “Nếu Chúa Trời có thể làm những việc này cho ông này, thì Ngài cũng có thể làm những việc này cho tôi vậy.” Nếu quí vị nghe câu chuyện của tôi bằng một thái độ như vậy thì mới là phải.

Có nhiều người sau khi đọc qua những kinh lịch của sứ đồ Phao-lô thì nói rằng: “Chỉ có những người vĩ đại như sứ đồ Phao-lô vậy mới có thể kinh lịch được Chúa Trời một cách kỳ diệu như thế. Chúa Trời không bao giờ làm những việc này cho tôi như Ngài đã làm cho sứ đồ Phao-lô vậy đâu!” Nếu quí vị nghĩ như vậy thì đọc Kinh Thánh làm chi nữa, bởi vì chẳng có điều gì trong Kinh Thánh có thể áp dụng trong cuộc đời của mình cả. Kinh Thánh sẽ thành ra một quyển sách biên soạn các sự kiện lịch sử của những vĩ nhân như Phao-lô và Ê-li. Nhưng sứ đồ Gia-cơ nói rằng: “Ê-li vốn là người có cùng một bản chất như chúng ta.” (Gia-cơ 5:17) Mà Ê-li này là một trong những tiên tri vĩ đại nhất. Chúa Trời đã nhận lời cầu nguyện của Ê-li trên núi Cạt mên và giáng lửa xuống từ trên trời để thiêu đốt của lễ dâng lên cho Ngài (1 Các Vua 18:38). Quí vị có hề nghĩ rằng không chừng Chúa Trời hy vọng quí vị cũng làm một việc tương tự như vậy chăng? Rốt cuộc Ê-li cũng là một người như chúng ta vậy thôi.

Rất lâu trước khi sự kiện ở Núi Cạt-mên xảy ra, Ê-li đã tuyên bố rằng ở Y-sơ-ra-ên sẽ không có mưa trong vài năm (1 Các Vua 17:1). Đó là một trừng phạt cho Y-sơ-ra-ên vì tội phản nghịch chống lại Chúa Trời. Chúa quả thật dừng mưa ở Y-sơ-ra-ên trong ba năm rưởi, mãi cho đến ngày đáng ghi nhớ trên Núi Cạt-mên (1 Các Vua 18:1, 45). Chúa Trời đã sử dụng một người có cùng một bản chất như chúng ta để đem Y-sơ-ra-ên trở về với Ngài. Nếu quí vị cầu nguyện như Ê-li vậy, Chúa Trời cũng có thể sử dụng quí vị y như thế. Trong thế hệ này, chúng ta rất cần những người biết đi cùng với Chúa Trời và Ngài có thể làm những công việc lớn bởi họ.

Tổ Phụ Tôi Và Ba Tôi

Bây giờ để tôi bắt đầu nói về gia đình tôi. Ông tổ phụ tôi sống ở tỉnh Phúc Kiến, cho dù ông sanh trong một gia đình nghèo khổ, nhưng nhờ sự cố gắng ông vẫn được tốt nghiệp đại học, điều đó là một thành tích vĩ đại ở Trung Quốc hồi đó. Đáng lẽ ông tổ phụ tôi có thể sống một cuộc đời giàu sang, nhưng ông từ bỏ tất cả những chuyện này mà đi truyền giảng Tin Lành, ông trở thành mục sư của Hội Thánh Trưởng Lão. Bởi vì mục sư được trả lương rất ít, cho nên ba đứa con trai và một đứa con gái của ông đều trưởng thành trong một hoàn cảnh nghèo khổ.

Cả ba đứa con trai của ông đều thông minh học giỏi, người xuất sắc nhất là ba tôi, Trương Thiên Trạch, con trai trưởng của ông. Cho dù ba tôi sanh ra và trưởng thành tại một gia đình Tín Đồ Cơ Đốc, ba tôi không tin ở Chúa Giê-su cả, ba tôi cũng không thích những chuyện thuộc linh. Ba tôi đã chán ngắt cuộc sống nghèo khổ lắm rồi, và ba quyết định theo đuổi một cuộc sống tốt hơn. Ba được nhận vào trường Đại Học Bắc Kinh miễn thi nhập học bởi vì điểm trung bình của ba là 97%. Khi ba tốt nghiệp ra trường Đại Học, thì ba phá kỷ lục điểm trung bình cao nhất của nhà trường. Rồi ba được gởi đi học bằng cấp thạc sĩ tại Đại Học Harvard ở bên Mỹ, và ba đã hoàn thành bằng cấp đó trong 9 tháng trời. Ba thấy rằng trường Đại Học Harvard không bằng những trường đại học ở Âu Châu, cho nên ba lại đi Âu Châu để tiếp tục theo học bằng cấp tiến sĩ.

Trí nhớ của ba rất hay, và ba có khả năng đặc biệt về ngôn ngữ. Ba học ngôn ngữ là để học chơi thôi. Ba học tiếng Pháp chỉ 3 tháng thôi mà ba có thể nói tiếng Pháp rất lưu loát đến nỗi người ta tưởng rằng ba đã tốt nghiệp tại một đại học Pháp, nhưng thực ra ba theo học tại Đại Học Sorbonne ở Paris chỉ trong một khoảng thời gian ngắn thôi. Ba quyết định đi học tiếng Đức nữa, cho nên ba đi học tại Đại Học Heidelberg trong 3 tháng trời. Sau ba tháng, ba có thể nói tiếng Đức rất hay. Ba trở nên càng ngày càng kiêu ngạo và tự tin vào khả năng của mình. Bất cứ ba học ở trường nào, cho dù là Đại Học Harvard hay là tại Âu Châu, ba lần lượt nhận được một học bổng này sang một học bổng khác. Thực ra ba nhận được tiền học bổng nhiều đến nỗi ba có thể nuôi nấng hai em trai của ba vào đại học, và ba vẫn còn tiền dư lại để đi du lịch nước Mỹ bằng vé máy bay hạng nhất. Ba đã làm quen với một cuộc sống giàu có và thoải mải.

Thời Kỳ Thiếu Niên Ở Trung Quốc

Đó là gia đình tôi vậy. Thông minh tài năng của ba tôi đã tạo nên một hoàn cảnh tốt cho tôi để trau dồi học vấn, tôi là con một của ba tôi. Ba thích dùng trí óc để tìm hiểu và học hỏi, mà ba cũng yêu nước lắm. Điều mơ tưởng của ba là đem Trung Quốc ra khỏi tình trạng lạc hậu bảo thủ, khiến Trung Quốc trở nên hùng mạnh, hiện đại hóa, một Trung Quốc mới. Ba theo học Kinh Tế Học, bởi vì ba nghĩ rằng muốn xây dựng lại Trung Quốc thì phải bắt đầu bằng kinh tế, rồi sau đó mới là quân sự. Ba nghĩ rằng muốn xây dựng một nước cường thịnh và tân tiến thì cần phải có một nền tảng kinh tế vững mạnh.

Ba tôi cũng dạy dỗ tôi trở nên một người yêu nước lắm. Ba hay kể cho tôi nghe lịch sử vinh hiển của Trung Quốc trong thời cổ xưa. Ba đã gieo mối chống chủ nghĩa đế quốc và chống chủ nghĩa thực dân trong lòng tôi. Ba tức giận các nước ngoài đã nhân dịp Trung Quốc yếu đuối để cướp bốc và làm nhục Trung Quốc bằng những hiệp ước bất bình đẳng. Bởi vậy tôi trở nên rất thù nghịch người Tây Phương. Vì tôi trưởng thành tại Thượng Hải, tâm tình thù nghịch của tôi trở nên càng mãnh liệt hơn khi tôi thấy Thượng Hải bị chia làm nhiều khu vực cai tri của các nước ngoài: Nhượng địa cho Pháp, nhượng địa cho Anh, nhượng địa cho Nhật Bổn v.v. Không chừng quí vị từng thấy bức ảnh của một cái bảng đặt tại cổng vào của một công viên biên rằng: “Chó và người Trung Quốc cấm vào.” Ở đâu cũng có quân lính ngoại quốc cả. Có một lần tôi thấy một người lính Anh Quốc đá và đánh đập một người thợ may Trung Quốc. Tôi tự nhủ trong lòng tôi rằng: “Tụi bay hãy chờ coi, một ngày nào đó tôi sẽ dạy tụi bay một bài học.”

Tôi cũng yêu nước như ba tôi vậy, nhưng chí hướng của tôi thì khác với chí hướng của ba tôi. Ba thì nhấn mạnh về thiết lập một nền tảng kinh tế vững vàng, nhưng tôi thì nhấn mạnh về thiết lập một quân đội hùng mạnh. Tôi dùng tất cả tiền tiêu vặt của tôi để mua sách về khoa học quân sự. Tôi nghiên cứu cuộc đời của Chu Cách Lượng trong chuyện “Tam Quốc Chí” và tôi hâm mộ ông này lắm.

Tôi theo học võ thuật bởi vì tôi nghĩ rằng rèn luyện thân thể mạnh mẽ để nêu gương cho người khác là quan trọng lắm. Qua sự huấn luyện về võ Giu-đô và quyền thuật Anh, thân thể tôi trở nên rất vạm vỡ. Tôi luyện tập nhiều cuộc thể thao để trau dồi thân thể. Để đạt được tài năng lãnh đạo, một mình tôi tổ chức và huấn luyện một đội bóng chày. Hồi đó tôi không biết gì về bóng chày cả, tôi tìm được một quyển sách về bóng chày và tôi tự học kỹ thuật của cuộc thể thao này. Rồi tôi huấn luyện một vài con trai không biết gì về bóng chày cả. Trong vòng hai năm chúng tôi đã chơi trong đội hạng “A” và thách thử đội xuất sắc nhất ở Thượng Hải. Bí mật của chúng tôi là gì? Đó là thái độ hiến dâng và tinh thần đồng đội.

Tôi tự trau dồi con người tôi không những về thể chất và trí tuệ, mà còn về phương diện thuộc linh nữa. Tôi để ý rằng Chu Cách Lượng và những anh hùng của Trung Quốc thời xưa thì rất giỏi về thiên văn học và chiêm tinh học. Họ có thể nhìn vào những ngôi sao trên trời mà dự đoán những việc trong tương lai một cách chính xác. Bởi vậy tôi quyết định cũng đi nghiên cứu các ngôi sao. Có một lần tôi tìm được một quyển sách về chiêm tinh học, trong đó dự đoán rằng nước Mỹ sẽ tham dự vào một cuộc chiến tranh lớn vào cuối năm 1941. Rồi tôi thấy quyển sách này in vào năm 1935! Tôi rất kinh ngạc về tầm chính xác như vậy, cho nên tôi nghiên cứu quyển sách này rất kỹ lưỡng. Tôi học được rất nhiều về chiêm tinh học đến nỗi tôi có thể nhìn vào bộ mặt của một người và nói ra được người này sanh vào tháng nào. Người ta rất ngạc nhiên vì tôi có thể nói ra những chuyện của người khác và nhiều sự kiện khác nhau. Cho nên tôi biết rằng chiêm tinh học cũng khá linh nghiệm. Có những thầy bói chỉ là lừa gạt người ta bằng kỹ thuật giả, nhưng cũng có những người thật sự biết rất nhiều về chiêm tinh học. Lẽ dĩ nhiên tôi đã từ bỏ cái nghề này khi tôi trở thành một Tín Đồ Cơ Đốc, bởi vì Kinh Thánh cảnh cáo chúng ta rằng đừng chơi bời những việc liên quan đến thuyết thông linh.

Tôi thấy tôi ngủ nhiều quá, cho nên tôi giảm bớt thời gian đi ngủ để có nhiều thì giờ học tập khoa học quân sự. Quí vị thấy tôi là một con người như thế nào, quả quyết và có kỷ luật. Qua sự huấn luyện về trí óc và thể chất, cộng thêm kiến thức về chiêm tinh học, tôi đang sửa soạn cuộc đời của mình để đạt được chí hướng của tôi.

Nhưng tôi lại trở nên càng ngày càng chống đối Tín Đồ Cơ Đốc, một phần là vì ba tôi đã kể cho tôi nghe những chuyện các chính phủ ngoại quốc đã làm ở Trung Quốc. Ba tôi nói rằng có nhiều người truyền giáo đến Trung Quốc dưới chiêu bài công việc truyền giáo, nhưng thực ra họ là người trinh sát sai đi bởi các chính phủ ngoại quốc để thăm dò những khu vực ở Trung Quốc và để thu thập tài liệu về tình trạng quân sự và kinh tế ở Trung Quốc.

Trong những năm nội chiến, ba tôi lãnh một chức vụ rất cao trong chính phủ ở Nam Kinh. Trung tâm hành chánh của ba tôi ở Nam Kinh thì hình như là một vương quốc nhỏ. Trung tâm này có quân lính riêng biệt canh giữ, có hành lũy bao vây xung quanh và có máy phát điện riêng. Có vài đội quân lính và hai thiếu tướng chỉ huy quân lính dưới quyền của ba. Tôi trưởng thành trong một hoàn cảnh tôi được hưởng thụ quyền lợi hầu như không hạn chế. Tuy rằng tôi chỉ mười mấy tuổi thôi, nhưng quân lính phải chào tôi mỗi khi tôi đi qua, và những nhân viên chính phủ phải đón tiếp tôi. Nếu tôi muốn đi từ Thượng Hải đến Nam Kinh, những nhân viên cao cấp sẽ đến nhà tôi ở Thượng Hải để đưa tôi đi trạm xe lửa bằng xe hòm của chính phủ. Khi tôi đến Nam Kinh rồi, thì một nhóm nhân viên khác sẽ hộ tống tôi đến văn phòng của ba tôi. Cái đặc quyền và quyền lực mà tôi được hưởng đã gây một ảnh hưởng rất xấu cho một người trẻ tuổi như tôi vậy.

Rồi cuộc nội chiến giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Công Sản ngày càng mãnh liệt. Quốc Dân Đảng đã lần lượt thua nhiều trận chiến, Đảng Cộng Sản đang tiến vào miền Nam. Ba tôi phải lập quyết định là đánh hay rút lui. Lúc đó ba tôi đã chán ghét sự tham nhũng lan tràn trong Quốc Dân Đảng. Một phần lớn của quân đội của Quốc Dân Đảng là bán độc lập, họ không chịu sự điều khiển của chính phủ trung ương, và nhiều người lạm dụng cái đặc tính bán độc lập này. Ba tôi đã chán ngắt sự tham nhũng đầy dẫy ở Trung Quốc. Và ba tôi chống cự lại sự tham nhũng, cho nên đã gây nên tranh chấp với những nhân viên chính phủ. Khi chỉ đạo viên của ba là Vương Vân Ngũ từ chức, ba tôi cũng nhân dịp đó từ chức cùng một lượt với vài nhân viên khác. Sau khi ba tôi từ chức rồi, chẳng bao lâu thì Đảng Cộng Sản đến Thượng Hải.

Sau Khi Đảng Cộng Sản Giải Phóng Trung Quốc

Đảng viên của Quốc Dân Đảng chạy trốn tan tành khi Đảng Cộng Sản đến, nhưng ba tôi không muốn đi. Ba tôi nói rằng: “Lý lịch của tôi là hoàn toàn trong sạch. Tôi không có làm việc gì chống lại nhà nước của tôi cả. Tôi không có làm việc gì xấu xa hết. Tôi đã đánh giặc Nhật Bổn. Tôi đã phụng sự nhà nước tôi. Nếu mà Đảng Cộng Sản muốn giết tôi thì để họ giết cho, nhưng họ phải nói cho tôi biết tôi đã phạm tội gì.” Quả nhiên, khi Đảng Cộng Sản vào Thượng Hải, họ không quấy rầy chúng tôi bao giờ. Ngày nào ngày nấy cũng có người bị giết đi, nhưng họ cứ để chúng tôi sống yên ổn, bởi vì sở chỉ huy của Đảng Cộng Sản đã nhận được một báo cáo tốt về ba tôi. Họ thấy lý lịch của ba hoàn toàn trong sạch, ba không hề làm việc gì chống lại nhà nước hay là chống lại Đảng Cộng Sản.

Sau này họ muốn mời ba tôi lãnh một chức vụ trong chính phủ, nhưng ba từ chối. Rồi sau đó họ lại mời ba tôi đi dạy ở Đại Học Bắc Kinh, nhưng một lần nữa ba lại từ chối. Nhưng bất cứ tình hình ra sao, ba tôi quyết định ở lại Trung Quốc để coi bằng chính mắt của mình Đảng Cộng Sản sẽ xây dựng nước Trung Quốc mới như thế nào. Cho nên cả gia đình ở lại Trung Quốc. Năm 1952 má tôi phải rời khỏi Trung Quốc vì mắc bịnh lao phổi. Sau cùng ba tôi quyết định rời khỏi Trung Quốc, nhưng họ không cho ba đi. Rồi ba tìm được một cơ hội rời khỏi Trung Quốc vào năm 1953. Cho nên tôi ở lại Trung Quốc một mình, không tiền bạc, không tài sản gì hết. Giấc mơ tưởng xây dựng một Trung Quốc mới của tôi đi đâu rồi?

Tôi phải quyết định nên làm gì cho tương lai của mình mới phải. Đảng Cộng Sản đã thống trị cả nước Trung Quốc rồi, mà tôi sẽ làm gì trong đời tôi sau này? Một là đi theo Đảng Cộng Sản và làm việc phụng sự cho họ suốt đời. Tôi có thể gia nhập quân đội và tôi sẽ được thăng chức rất nhanh. Bởi vì tôi đã học xong chương trình trung học, nếu tôi gia nhập quân đội thì tôi có hạng sĩ quan ngay lập tức. Thực ra tôi có thể gia nhập quân đội của Đảng Cộng Sản để thành tựu được một phần của mộng tưởng của tôi.

Nhưng tôi không muốn giả bộ. Trừ phi một người thực sự tin tưởng vào chủ nghĩa Cộng Sản, bằng không người đó không thể trở thành một đảng viên Cộng Sản chân chính. Dù thế nào đi nữa, tôi cảm thấy rằng tôi nên tìm hiểu về lý thuyết của chủ nghĩa Cộng Sản để biết rõ hơn, cho nên tôi bắt đầu đọc sách về Duy Vật Biện Chứng Pháp và những sách về lịch sử của Đảng Cộng Sản. Tôi đã biết sơ sơ về khoa học quân sự, tôi thấy lịch sử của Đảng Cộng Sản Trung Quốc rất hấp dẫn, nhất là những chiến lược và chiến thuật lỗi lạc của Mao chủ tịch.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church