You are here

Bài Giảng Luận Kỷ Niệm Chúa Giê-su Bị Đóng Đinh Trên Thập Giá (1)

Bài Giảng Luận Kỷ Niệm Chúa Giê-su Bị Đóng Đinh Trên Thập Giá (1)

Chúa Đã Chịu Chết Vì Tội Lỗi của Ta

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Hôm nay tôi muốn nói về sự chết của Chúa Giê-su. Hai ngàn năm về trước, Chúa Giê-su, Con của Chúa Trời Gia-vê, tự nguyện chịu chết trên cây thập tự để cứu chuộc loài người ta. Chúa bị đóng đinh vào ngày thứ sáu, rồi Chúa được sống lại vào ngày Chúa Nhật, cho nên ngày Chúa Nhật là ngày lễ Phục Sinh, ngày kỷ niệm sự sống lại của Chúa. Còn ngày thứ sáu là ngày kỷ niệm Chúa bị đóng đinh trên thập giá.

Các bạn có thấy rằng sự chết của Chúa Giê-su là quan trọng không? Hoặc là các bạn thấy sự chết của Chúa không có ý nghĩa gì cả và không có liên quan gì đến các bạn chăng?

Hỡi các bạn ơi, sự chết của Chúa Giê-su thì mang một ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn thể loài người chúng ta.

Nếu bạn không tin vào Chúa Giê-su, thì bạn hẳn không nhận thấy ý nghĩa quan trọng của sự chết của Chúa, và bạn cũng không thấy sự chết của Chúa có liên quan gì đến cuộc đời của bạn cả. Nhưng cho dù bạn không tin nhận ý nghĩa quan trọng của sự chết của Chúa, nhưng sự không tin của bạn thì không giảm bớt tầm quan trọng của sự chết của Chúa. Nếu bạn không tin thì bạn đánh mất cái cơ hội để nhận lãnh phước lành đời đời, bạn sẽ ân hận khóc lóc vào Ngày Phán Xét, và bạn sẽ bị hư mất.

Ngược lại nếu bạn tin cậy vào Chúa Giê-su một cách chân thành thì sự chết của Chúa đã làm thay đổi hoàn toàn số phận của bạn, và phước lành mà bạn nhận được sẽ tồn tại đến đời đời vô tận.

Câu Chuyện Về Sự Chết Của Chúa Giê-su

Vậy các bạn có muốn tìm hiểu về sự chết của Chúa Giê-su không? Đầu tiên tôi sẽ thuật lại câu chuyện của sự chết của Chúa Giê-su, sau đó tôi mới giải thích về ý nghĩa của sự chết của Chúa.

Ngày lễ Vượt Qua là một ngày lễ quan trọng nhất của người Do Thái. Trước ngày lễ Vượt Qua Chúa Giê-su đã biết rằng mình sắp lìa khỏi thế gian để trở về cùng Đức Cha ở trên trời. Chúa bảo các môn đồ sửa soạn bữa tiệc lễ Vượt Qua.

Chúa đã biết trước rằng Giu-đa, một trong mười hai sứ đồ sẽ phản mình. Tên này sẽ đi báo tin để nộp Chúa cho những người cầm quyền trong Đạo Do Thái. Trong bữa tiệc lễ Vượt Qua, Chúa bảo Giu-đa rằng nếu người muốn làm gì thì đi làm cho mau. Giu-đa bèn lìa khỏi bàn mà ra đi. Các sứ đồ khác tưởng rằng Chúa sai nó đem tiền bạc tặng cho những kẻ nghèo khổ. Sau khi Giu-đa đi rồi, Chúa giảng dạy cho các môn đồ những điều răn quan trọng. Sau đó Chúa cùng mười một sứ đồ đi lên núi Ô‑li‑ve. Tại đó Chúa nói với sứ đồ Phi-e-rơ rằng trước khi gà gáy thì người sẽ chối Chúa ba lần. Tại vườn Ghết‑sê‑ma‑nê, Chúa cầu nguyện cùng Chúa Trời Gia-vê rằng: “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén này lìa khỏi con! Nhưng không theo ý muốn của con, mà theo ý muốn của Cha.” Sau khi cầu nguyện xong, Chúa trở về cùng các môn đồ.

Một lúc sau, tên phản nghịch Giu-đa dẫn một bọn đầy tớ của các thầy tế lễ cả và các trưởng lão, họ cầm gươm và gậy đến. Giu-đa đã cho bọn đó dấu này: “Người nào mà tôi sẽ hôn, ấy là người đó, hãy bắt lấy.” Tức thì Giu-đa đến gần Chúa Giê-su nói rằng: “Chào thầy!” rồi hôn Chúa. Bọn đầy tớ liền đến gần tra tay bắt Chúa. Một sứ đồ của Chúa rút gươm ra để đánh một người đầy tớ và chém nứt cái tai của người. Chúa Giê-su liền nói rằng: “Hãy nạp gươm vào vỏ, vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết vì gươm. Các ngươi tưởng rằng ta không có thể xin Đức Cha ngay lập tức sai mười hai đạo thiên sứ đến để đánh đuổi bọn này sao? Nhưng nếu làm như vậy thì làm thế nào cho ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép rằng việc này ắt phải xảy ra?” Rồi Chúa đưa tay rờ lỗ tai của đầy tớ ấy và chữa cho nó được lành. Khi ấy các môn đồ đều bỏ Chúa mà trốn đi. Bọn đầy tớ bắt Chúa Giê-su lại và đem Chúa về nhà của thầy cả thượng phẩm.

Sứ đồ Phi‑e‑rơ đi theo Chúa xa xa cho đến sân của nhà thầy cả thượng phẩm. Ở đó các thầy tế lễ cả, các thầy dạy Luật Pháp và trưởng lão đang tra hỏi Chúa, có những người làm chứng dối để tố cáo Chúa, nhưng Chúa không có trả lời một câu nào cả. Sau cùng thầy cả thượng phẩm hỏi Chúa rằng: “Ngươi có phải là đấng Christ, Con của Chúa Trời không?” Chúa Giê-su đáp rằng: “Thật như vậy.” Thầy cả thượng phẩm bèn nói rằng: “Nó đã nói phạm thượng, các ngươi vừa nghe lời phạm thượng đó, các ngươi nghĩ sao?” Mọi người trả lời rằng: “Nó đáng chết!” Họ bèn nhổ trên mặt Chúa, đấm Chúa, lại có kẻ tát Chúa.

Lúc bấy giờ, sứ đồ Phi‑e‑rơ đang ngồi ở ngoài sân. Có ba người lần lượt đến nói rằng tại vì Phi-e-rơ cũng từ xứ Ga‑li‑lê tới, cho nên người chắc là cùng một nhóm với Giê-su. Nhưng mỗi một lần Phi‑e‑rơ đều chối rằng người không hề biết Giê-su cả. Khi người chối Chúa lần thứ ba, tức thì gà gáy. Phi-e-rơ nhớ lại lời Chúa Giê-su đã nói rằng: “Trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần.” Người đi ra và khóc lóc một cách đắng cay.

Sáng hôm sau, các thầy tế lễ cả và các trưởng lão nộp Chúa Giê-su cho quan tổng đốc Phi-lát của chính quyền La-mã. Chúa đứng trước mặt quan tổng đốc, ông quan hỏi Chúa rằng: “Ngươi có phải là vua của dân Giu-đa không?” Chúa Giê-su đáp rằng: “Thật như lời.” Trong khi đó các thầy tế lễ và trưởng lão nói nhiều việc kiện Chúa, nhưng Chúa không nói một câu nào cả, đến nỗi ông quan cũng lấy làm lạ lắm. Quan tổng đốc cũng biết rằng chính là vì lòng ghen ghét mà các thầy tế lễ đã nộp Chúa Giê-su. Ông quan muốn tha Chúa, ông bèn hỏi dân chúng họ muốn xử Chúa như thế nào. Dân chúng đều trả lời rằng: “Đóng đinh nó trên cây thập tự!” Quan tổng đốc lại hỏi rằng: “Nhưng người này đâu có làm việc ác gì?” Nhưng dân chúng kêu la càng lớn tiêng hơn: “Đóng đinh nó trên cây thập tự!” Quan tổng đốc thấy vậy bèn ra lệnh đánh đòn Chúa Giê-su, rồi giao Chúa ra để chịu đóng đinh trên cây thập tự.

Các quân lính bèn đem Chúa Giê-su vào công trường, họ cởi áo của Chúa ra, lấy áo điều khoác lên thân Chúa. Họ dùng gai làm thành một cái mão mà đội trên đầu của Chúa, và để một cây sậy trong tay hữu của Chúa, rồi họ quì xuống trước mặt Chúa mà nhạo báng rằng: “Lạy vua của dân Giu-đa!” Họ nhổ trên Chúa và lấy cây sậy đánh đầu Chúa. Khi đã nhạo báng Chúa rồi, họ cởi áo điều ra mà mặc áo của Chúa lại, rồi đem Chúa ra để chịu đóng đinh.

Khi họ đi ra thì gặp một người tên là Si-môn, các quân lính bắt người này vác cây thập tự của Chúa Giê-su. Khi đi đến một chỗ gọi là Gô-gô-tha, họ đóng đinh Chúa trên cây thập tự, rồi họ bắt thăm nhau để chia cái áo xống của Chúa. Các quân lính ngồi đó để canh giữ Chúa. Phía trên đầu Chúa họ đặt cái bảng đề chữ rằng: “Người này là Giê-su, vua dân Giu-đa.”

Nhưng Chúa Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì!” Cùng một chỗ đó, có hai tên trộm cướp cũng bị đóng đinh, một tên ở bên hữu Chúa, một tên ở bên tả Chúa.

Những kẻ đi ngang qua chỗ đó đều chê cười Chúa, lắc đầu mà nói rằng: “Người là kẻ phá Đền Thờ và người nói sẽ dựng lại trong ba ngày. Vậy hãy cứu lấy mình đi! Nếu người là Con của Chúa Trời, hãy xuống khỏi cây thập tự đi!”

Các thầy tế lễ cả cùng các trưởng lão cũng nhạo báng Chúa rằng: “Nó đã cứu kẻ khác nhưng mà cứu mình không được. Nếu nó là vua dân Y-sơ-ra-ên, bây giờ hãy xuống khỏi cây thập tự đi, thì chúng ta mới tin. Nó nhờ cậy Chúa Trời, nếu Chúa Trời yêu nó thì Ngài sẽ giải cứu nó, vì nó nói rằng: “Ta là Con của Chúa Trời.””

Một tên trộm cướp bị đóng đinh ở bên cạnh cũng mắng nhiếc Chúa rằng: “Ngươi không phải là đấng Christ sao? Hãy tự cứu lấy mình ngươi cùng chúng ta nữa đi!” Nhưng tên kia trách nó rằng: “Ngươi cũng chịu cùng một hình phạt ấy, còn chẳng sợ Chúa Trời sao? Về phần chúng ta, hình phạt ta chịu thì xứng đáng với tội ta làm, nhưng người này không hề phạm một tội gì cả.” Rồi tên này nói với Chúa Giê-su rằng: “Hỡi Giê-su, khi Chúa đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi!” Chúa Giê-su đáp rằng: “Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi (tức là lạc viên)”.

Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (tức là từ giữa trưa đến ba giờ chiều) khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Khoảng chừng giờ thứ chín (tức là ba giờ chiều), Chúa Giê-su kêu lớn lên rằng: “Ê-li, Ê-li, lam-ma-sa-bách-ta-ni?” nghĩa là: “Chúa Trời tôi ơi! Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?”

Sau đó, Chúa Giê-su biết mọi việc đã được trọn rồi, hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm thì Chúa nói rằng: “Ta khát.” Tại đó, có một cái bình đựng đầy giấm. Những người xung quanh lấy một cái bông đá thấm đầy giấm, buộc vào cây gậy đưa kề miệng Chúa. Khi Chúa chịu lấy giấm rồi, bèn nói rằng: “Mọi việc đã được trọn.” Rồi Chúa kêu lên rằng: “Hỡi Cha, con giao linh hồn lại trong tay Cha!” Chúa vừa nói xong thì tắt hơi.

Tên thầy đội nhìn thấy tất cả những chuyện này, người khen ngợi Chúa Trời rằng: “Thật người này là một người công nghĩa!” Nầy, cái màn trong Đền Thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới, đất thì rúng động, đá lớn bẻ ra.

Ý Nghĩa Của Sự Chết Của Chúa Giê-su

Sau khi bạn đọc qua câu chuyện của sự chết của Chúa Giê-su, bạn có thắc mắc rằng tại sao Chúa lại phải chịu chết trên cây thập tự, và chết một cách thấp hèn, bị người ta chê bai làm nhục như vậy? Chúa là Con của Chúa Trời, Chúa đã biết trước tên nào sẽ phản mình, Chúa đã biết trước mọi việc sẽ xảy ra như thế nào, chính Chúa cũng nói rằng Chúa có thể cầu xin Đức Cha sai mười hai đạo thiên sứ đến giải cứu mình, nhưng tại sao Chúa lại vui lòng chịu đóng đinh trên cây thập tự? Chúa có quyền năng để cứu giúp người khác, nhưng tại sao Chúa lại không dùng quyền năng đó để tự giải cứu mình đi?

1 Phi‑e‑rơ 3:18 18 Vì đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, đấng công nghĩa vì những kẻ không công nghĩa, để dẫn đưa chúng ta đến cùng Chúa Trời, Chúa đã chịu chết về xác thịt, nhưng đã được sống lại về linh hồn.

Câu Kinh Thánh này dạy rằng Chúa Giê-su Christ là đấng công nghĩa, Chúa đã chịu chết vì những kẻ không công nghĩa tức là loài người chúng ta, với mục đích là để dẫn đưa ta đến cùng Chúa Trời. Cho dù xác thịt của Chúa đã chịu chết, những Chúa được sống lại về linh hồn.

Loài người ta đều đã phạm tội, không một người nào là công nghĩa cả, chúng ta đều là tội nhân. Hậu quả của tội lỗi là chết. Cái chết này chẳng những là cái chết của thân thể, mà còn là cái chết của linh hồn nữa. Thân thể của ta thì sớm muộn gì cũng phải chết đi. Nhưng cái chết của thân thể không phải là chấm dứt của mọi sự, trong tương lai còn có phán xét nữa. Linh hồn của mỗi một người từng sống trên thế gian này đều phải đứng trước cái Ngôi Phán Xét của Chúa Giê-su và sẽ bị phán xét căn cứ vào những việc ta đã làm trong đời này.

Chúng ta đều đã phạm tội, chúng ta đều không chịu vâng phục Chúa Trời, chúng ta đều là ích kỷ, chúng ta đều từng thù hận người khác, chúng ta đều có lòng tham lam. Hậu quả của tội lỗi là chết, linh hồn của tội nhân sẽ bị quăng vào cái hồ lửa, đó chính là cái chết của linh hồn, hay còn gọi là sự hư mất.

Chúng ta xứng đáng chịu cái hình phạt này, nhưng Chúa Trời thương xót chúng ta, Ngài đã tạo ra chúng ta, Ngài không muốn chúng ta bị hư mất, cho nên Ngài sai Con một của Ngài, Chúa Giê-su đến để cứu chuộc chúng ta.

Chúa Giê-su chịu chết trên cây thập tự vì tội lỗi của ta. Chúa Giê-su không hề phạm một tội lỗi nào cả, nhưng hết thảy tội lỗi của tất cả loài người trên thế gian đều đặt trên thân thể của Chúa, Chúa mang tất cả tội lội của ta trên thân thể rồi bị đóng đinh trên cây thập tự.

Khi chúng ta tin vào Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su, ăn năn hối cải tội lỗi của mình, rồi phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Chúa Trời và chịu phép báp-tem, thì Chúa Trời cho ta chết về tội lỗi, huyết báu của Chúa Giê-su chảy ra trên cây thập tự sẽ rửa sạch tất cả tội lỗi của ta, ta được ban cho một cuộc sống mới, ta trở thành con người trong sạch công nghĩa.

Trước kia khi chúng ta còn sống trong tội lỗi, thì những tội lỗi đó làm ngăn cản ta không thể đến gần Chúa Trời thánh sạch và công nghĩa. Khi huyết của Chúa Giê-su rửa sạch tội lỗi của ta rồi, ta mới có thể đến cùng Chúa Trời, ta trở thành con cái của Ngài.

Những Người Không Tin Vào Chúa Giê-su Có Thấy Tầm Quan Trọng Của Sự Chết Của Chúa Không?

Bây giờ ta đã hiểu được ý nghĩa của sự chết của Chúa Giê-su rồi, nhưng sự chết của Chúa Giê-su có liên quan gì đến cuộc đời của bạn không?

Nếu bạn không tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su, tôi muốn hỏi bạn câu hỏi này: Bạn có thấy tội lỗi của mình không?

Nếu bạn không nhận thức được tội lỗi của mình, thì lẽ dĩ nhiên bạn không thấy rằng bạn cần sự cứu chuộc của Chúa Giê-su, và bạn sẽ không thấy tầm quan trọng của sự chết của Chúa, như vậy thì sự chết của Chúa không có ý nghĩa gì cả đối với bạn.

Có nhiều người cũng nhận thức rằng họ đã phạm tội lỗi, và họ cũng chấp nhận rằng có tội thì phải chịu hình phạt, nhưng họ tưởng rằng họ có thể tìm được giải cứu bằng cách khác, cho nên họ không cần phải tin vào Chúa Giê-su.

Hỡi các bạn ơi, ngoài Chúa Giê-su ra, không có giải cứu nào khác, sự giải cứu chỉ có ở trong Chúa Giê-su thôi. Khắp cả vũ trụ này, chúng ta không thể nhờ cậy vào một danh nào khác để được cứu chuộc.

Phần nhiều những tôn giáo trên đời này đều dạy ta nên làm điều lành, nhưng họ đều không thể tẩy sạch tội lỗi của ta. Đức Phật không thể giải cứu ta được, chính Đức Phật nói rằng mình không phải là Chúa Trời. Đức Phật là một nhà triết học vĩ đại, người giảng dạy ta nên làm điều lành, nhưng người cũng không thể tẩy sạch tội lỗi của ta.

Chúng ta không thể tự mình làm điều lành để tẩy sạch tội lỗi của mình (Xin đọc bài giảng “Tại Sao Chỉ Làm Điều Lành Vẫn Không Được Hưởng Sự Sống Đời Đời?”) Tội lỗi của ta không cách nào xóa bỏ được, chỉ có huyết của Chúa Giê-su mới có thể rửa sạch tội lỗi của ta.

Khi chúng ta tin vào Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su, chẳng những tội lỗi của ta được rửa sạch, mà Chúa Trời còn ban cho ta quyền năng để sống một cuộc đời mới công nghĩa trong sạch. Hậu quả của tội lỗi là chết, còn phần thưởng của công nghĩa là sự sống đời đời trong vương quốc Chúa Trời.

Đối Với Những Người Đã Tin Vào Chúa Giê-su, Sự Chết Của Chúa Vẫn Còn Mang Ý Nghĩa Quan Trọng Không?

Nếu bạn đã tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su, bạn là một người Tín Đồ Cơ Đốc, tội lỗi của bạn đã được rửa sạch bằng huyết báu của Chúa, tôi muốn hỏi bạn câu hỏi này: Bây giờ sự chết của Chúa vẫn mang một ý nghĩa quan trọng đối với bạn không? Hoặc là sự chết của Chúa chỉ là một chuyện trong quá khứ, không có quan trọng gì cả đối với cuộc sống hiện bây giờ của bạn chăng? Tại sao tôi lại nói như vậy?

Rô-ma 6:10 – 11 10 Vì Chúa đã chết là chết về tội lỗi một lần đủ cả; nhưng Chúa sống là sống cho Chúa Trời. 11 Vậy anh em cũng hãy coi mình là chết về tội lỗi và sống cho Chúa Trời trong Chúa Giê-su Christ.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng, Chúa đã chết về tội lỗi một lần đủ cả, nhưng ngày nay chúng ta cũng phải chết về tội lỗi. Hiện giờ Chúa sống cho Chúa Trời, và chúng ta cũng phải sống cho Chúa Trời.

Nhưng chết về tội lỗi là như thế nào?

Chúng ta có thể so sánh cái chết về tội lỗi với cái chết của thân thể. Khi thân thể của ta chết đi, thì ta không còn liên hệ gì với đời này nữa. Tương tự như vậy, khi chúng ta chết về tội lỗi, thì ta không còn liên hệ gì với tội lỗi nữa.

Rô-ma 6:2 2 Không thể như vậy được! Chúng ta đã chết về tội lỗi, lẽ nào còn sống trong tội lỗi nữa?

Căn cứ theo đoạn Kinh Thánh này, nếu chúng ta đã chết về tội lỗi, thì chúng ta không còn sống trong tội lỗi nữa. Có lẽ nào ta đã chết về tội lỗi, nhưng ta vẫn sống trong tội lỗi? Đó là hoàn toàn vô lý!

Bây giờ bạn đã thoát ra khỏi tội lỗi chưa? Hoặc là bạn vẫn còn sống trong tội lỗi? Nếu bạn vẫn bị tội lỗi ràng buộc, thì bạn vẫn sống trong tội lỗi, bạn không có chết về tội lỗi. Chúa Giê-su đã chết về tội lỗi một lần đủ cả, nhưng bạn không có chết về tội lỗi. Chúa Giê-su chịu chết để cứu chuộc ta ra khỏi tội lỗi, nếu bạn vẫn còn sống trong tội lỗi, thì sự chết của Chúa không có ý nghĩa gì cả đối với bạn!

Không chừng trước kia khi bạn mới tin vào Chúa, bạn đã chết về tội lỗi, bạn đã ăn năn hối cải tội lỗi của mình. Nhưng nếu bạn lại dần dần trở về cuộc sống tội lỗi, như vậy thì sự chết của Chúa Giê-su không còn liên quan gì đến cuộc đời của bạn nữa!

Bạn phải ăn năn hối cải ngay lập tức, bạn đã bỏ đi lòng yêu mến Chúa Trời ban đầu rồi. Hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu! Hãy trở về con đường của Chúa Trời như lúc ban đầu!

2 Cô‑rinh‑tô 4:10 10 Chúng ta luôn luôn mang sự chết của Chúa Giê-su trong thân thể mình, hầu cho sự sống của Chúa Giê-su cũng được bày tỏ trong thân thể chúng ta.

Chúng ta đều phải mang theo sự chết của Chúa Giê-su trong thân thể của ta mỗi một ngày, có nghĩa là ta phải tiếp tục chết về tội lỗi mỗi một ngày, ta cắt đứt mọi liên hệ với tội lỗi, ta không bao giờ sống trong tội lỗi nữa.

Kết Luận

Sự chết của Chúa Giê-su Christ là một việc rất mực quan trọng trong lịch sử loài người. Qua sự chết của Chúa, số phận của loài người đã được thay đổi hoàn toàn. Sự chết của Chúa đã chiến thắng số phận chết chóc diệt vọng của nhân loại. Khi chúng ta tin vào Chúa Giê-su, ta ăn năn hối cải, ta chết về tội lỗi cũng như Chúa đã chết về tội lỗi, thì trong tương lai chúng ta sẽ không bị sự chết của linh hồn, và chúng ta còn được ban cho sự sống đời đời trong vương quốc Chúa Trời.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church