You are here

Những Ví Dụ Trong Kinh Thánh (2)

Những Ví Dụ Trong Kinh Thánh (2)

Ví Dụ Của Người Gieo Giống (2)

Ma-thi-ơ 13:3 – 9, 18 – 23 (Mác 4:1 – 8, 13 – 20; Lu-ca 8:5 – 8, 11 – 15)

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo Ví Dụ Của Người Gieo Giống (1).

Ma-thi-ơ 13:3 – 9. 3 Chúa dùng ví dụ mà giảng nhiều điều cùng họ. Chúa nói rằng: “Một người gieo giống đi ra để gieo. 4 Khi đang gieo, một số giống rơi dọc đường đi, chim bay xuống và ăn đi. 5 Một số khác rơi nhằm chỗ đất đá sỏi, không có nhiều đất, giống mọc lên liền vì đất không sâu. 6 Nhưng khi mặt trời mọc lên, thì bị đốt, và vì không có rễ nên chết khô. 7 Một số khác rơi nhằm bụi gai, gai mọc lên và giống bị chết nghẹt. 8 Một số khác rơi vào chỗ đất tốt thì sinh trái, hột ra được một trăm, hột ra sáu chục, hột ra ba chục. 9 Ai có tai, hãy lắng nghe!”

Tầm Quan Trọng Của Ví Dụ Này

Đây là ví dụ đầu tiên trong Tân Ước, Chúa Giê-su dạy rằng ví dụ này là cực kỳ quan trọng.

Mác 4:13. 13 Và Chúa bảo họ: “Các ngươi không hiểu ví dụ này sao? Vậy thì các người làm sao hiểu được những ví dụ khác?”

Chúa nói rằng nếu chúng ta không hiểu ví dụ này, thì chúng ta sẽ không hiểu nổi những ví dụ khác. Bởi vậy chính Chúa Giê-su đã giải thích ý nghĩa của ví dụ này:

Ma-thi-ơ 13:18 – 23. 18 Vậy thì các ngươi hãy lắng nghe ví dụ về kẻ gieo giống. 19 Khi người nào nghe đạo của nước Thiên Đàng mà không hiểu, thì quỉ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng của người; ấy là kẻ chịu lấy hột giống rơi ra dọc đường. 20 Người nào chịu lấy hột giống nơi đất đá sỏi, tức là kẻ nghe đạo rồi liền vui mừng nhận lấy; 21 nhưng trong lòng của người không có rễ, chỉ tạm thời mà thôi, đến khi vì đạo mà gặp cực khổ hay bắt bớ, thì người vấp ngã liền. 22 Kẻ nào chịu lấy hột giống nơi bụi gai, tức là kẻ nghe đạo rồi, nhưng sự lo lắng về đời nầy và sự dối trá của giàu sang khiến đạo lý bị chết nghẹt và không kết qua được. 23 Nhưng kẻ nào chịu lấy hột giống nơi đất tốt, tức là kẻ nghe đạo và hiểu rõ; người ấy kết quả đến nỗi một hột ra một trăm, hột khác sáu chục, hột khác ba chục.

Kỳ trước chúng ta chỉ tra khảo ý nghĩa ở bề mặt thôi, hôm nay chúng ta sẽ đi sâu hơn một chút.

Những Người Trong Trường Hợp Thứ Nhất Sẽ Không Được Cứu Chuộc

Ví dụ này nói về một người gieo giống đi ra để gieo. Trong trường hợp thứ nhất, có một số hột giống rơi dọc đường, bị con chim bay xuống ăn đi. Ấy là tượng trưng cho những người nghe đạo rồi mà không hiểu, thì quỉ dữ đến cướp lấy những điều đã gieo trong lòng của họ.

Các bạn nghĩ rằng những người này có được cứu chuộc không?

Để trả lời câu hỏi này thì chúng ta phải tra khảo một đoạn Kinh Thánh ở Lu-ca 8 tương đương với đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 13 ở trên. Trong bốn quyển sách Tin Lành, tức là Tin Lành theo Ma-thi-ơ, Tin Lành theo Mác, Tin Lành theo Lu-ca và Tin Lành theo Giăng có những đoạn Kinh Thánh tương đương với nhau. Những đoạn Kinh Thánh tương đương này mô tả cùng một sự kiện hay thuật lại cùng một điều răn của Chúa Giê-su bằng từ ngữ hơi khác nhau. Khi ta so sánh những đoạn Kinh Thánh tương đương này thì ta có thể hiểu được sự kiện hay điều răn đó một cách toàn vẹn hơn.

Ví dụ này là ví dụ quan trọng nhất trong hết thảy các ví dụ, cho nên ví dụ này được ghi lại trong Tin Lành theo Ma-thi-ơ, Tin Lành theo MácTin Lành theo Lu-ca.

Lu-ca 8:11 – 12. 11Này ví dụ đó là như vậy: Hột giống là lời của Chúa Trời. 12 Phần rơi ra dọc đường là những người nghe đạo rồi; nhưng ma quỉ đến cướp lấy lời trong lòng họ để cho họ không tin và không được cứu chuộc.

Chúa giải thích một cách rõ ràng, những người này nghe đạo rồi, nhưng ma quỉ đến cướp lấy lời đã gieo trong lòng họ, khiến cho họ không tin và không được cứu chuộc.

Nhưng căn cứ theo Ma-thi-ơ 13:19: “Khi người nào nghe đạo của nước Thiên Đàng mà không hiểu, thì quỉ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng của người; ấy là kẻ chịu lấy hột giống rơi ra dọc đường”, ta thấy rằng sở dĩ ma quỉ có thể cướp lấy lời đã gieo trong lòng của người ấy là tại vì người không hiểu đạo của nước Thiên Đàng.

Tại Sao Những Người Thuộc Trường Hợp Thứ Nhất Không Hiểu Đạo Của Nước Thiên Đàng?

Tại sao người ấy không hiểu đạo của nước Thiên Đàng? Có phải là tại vì người kém thông minh chăng? Vậy thì chẳng lẽ chỉ có những người thông minh tài giỏi mới hiểu được đạo của nước Thiên Đàng và được cứu chuộc sao? Vậy những kẻ thấp hèn chậm chạp thì phải lành chịu số phận bị hư mất trong lửa hừng của địa ngục chăng? Tại sao Chúa Trời Gia-vê không giúp đỡ những người kém thông minh? Có phải Chúa Trời chỉ muốn chọn lựa những người thông minh tài giỏi, còn những kẻ thấp hèn chậm chạp thì bị Ngài loại bỏ chăng?

Không phải như vậy, hỡi các bạn ơi! Chúa Trời là hoàn toàn công bằng, Ngài không có thiên vị ai hết. Hơn nữa Ngài không bao giờ khinh thường loại bỏ những người thấp hèn chậm chạp, ngược lại Ngài yêu thương trông nom những người này nhiều hơn những kẻ thông minh tài giỏi. (Xin đọc 2 bài giảng “Kẻ Được Chọn Lựa (1) & (2)” để biết rõ Chúa Trời chọn lựa chúng ta bằng cách nào).

Bây giờ chúng ta đi tìm hiểu nguyên nhân tại sao người ấy không hiểu đạo của nước Thiên Đàng.

Ma-thi-ơ 13:15. 15 Vì lòng dân này đã chai lì, tai đã nặng, và họ đã nhắm mắt mình lại. Nếu không, họ sẽ thấy bằng mắt họ, nghe bằng tai họ, và hiểu bằng lòng họ và quay trở lại, và ta sẽ chữa lành họ. ’ ”

Xin các bạn để ý vào những chữ này: “lòng dân này đã chai lì” và “hiểu bằng lòng họ”. Người ta không hiểu lời của Chúa Trời không phải vì đầu óc họ kém thông minh, họ không hiểu là tại vì tấm lòng của họ đã chai lì, họ không nghe được lời của Ngài và họ còn nhắm mắt lại không muốn nhìn nữa.

Tôi từng truyền giảng Tin Lành cho những người có bằng cấp tiến sĩ, và tôi cũng truyền giảng cho những ông già bà cụ ít học. Tôi thấy rằng cho dù những người có học vấn rất cao, nhưng tại vì tâm hồn của họ không cởi mở, họ không chấp nhận lời trong Kinh Thánh là chân thật, vì vậy mà ngay cả những đoạn Kinh Thánh rất đơn giản họ cũng không hiểu nổi. Ngược lại những ông già bà cụ tuy ít học nhưng có một tấm lòng tìm cầu Chúa Trời, thì họ hiểu được những đoạn Kinh Thánh sâu xa uyên thâm.

Vậy tấm lòng chai lì có nghĩa là gì?

Nguyên văn Hy-lạp của từ ngữ “chai lì” là “παχύνω” (đọc là pa-khua-nu). Thực ra hai chữ “chai lì” không diễn tả được ý nghĩa của “παχύνω” một cách chính xác. Ý nghĩa của “παχύνω” là béo, mập, có nhiều mỡ. Nếu thân thể của chúng ta quá mập và nhiều mỡ thì chất mỡ sẽ dần dần tắc nghẽn động mạch của trái tim, và ta sẽ chết.

Nhưng chữ “παχύνω” trong đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 13:15 là nói về tình trạng béo mập của tâm linh, chứ không phải tình trạng béo mập của thân thể. Khi tâm linh của ta có nhiều mỡ thì trở nên không nhạy cảm, và ta không nhận thấy được sự công nghĩa thánh sạch và nhân từ thương xót vô biên của Chúa Trời Gia-vê, vì vậy ta không tin vào Ngài và không kính mến Ngài. Nếu ta không tin vào Chúa Trời thì lẽ dĩ nhiên ta không hiểu được đạo của nước Thiên Đàng.

Nhưng tại sao tâm linh của ta lại trở nên béo mập và nhiều mỡ?

Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:20. 20 Vì ta sẽ đưa dân nầy vào xứ tràn trề sữa và mật ong, là xứ ta đã hứa ban cho các tổ tiên của họ, và họ sẽ ăn no nê và béo mập, rồi họ sẽ hướng về các thần khác và thờ phượng chúng, họ sẽ khinh dể ta và phá vỡ giao ước của ta.

Chúa Trời Gia-vê nói rằng sau khi Ngài đưa dân Y-sơ-ra-ên vào xứ tràn trề sữa và mật ong, tức là nước Y-sơ-ra-ên, thì người dân sẽ ăn no nê và béo mập, rồi họ sẽ đi thờ phượng pho tượng, họ còn khinh dể Chúa Trời và phá vỡ giao ước của Ngài nữa.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:15. 15 Giê-su-run đã mập mạp và tung chân đá, người trở nên mập, lớn và béo tròn. Người đã lìa bỏ Chúa Trời, là Ðấng dựng nên người, và khinh dể Hòn Ðá của sự cứu chuộc của người.

Giê-su-run tức là Y-sơ-ra-ên. Khi Y-sơ-ra-ên trở nên mập, lớn và béo tròn, thì người sẽ lìa bỏ Chúa Trời và khinh dể Ngài.

Bây giờ tôi tóm tắt lại những điểm ta vừa tra khảo ở trên. Cuộc sống dồi dào sung sướng khiến người ta trở nên kiêu căng, họ khinh dể Chúa Trời. Vì vậy tâm hồn của họ không nhạy cảm, họ không nhận thấy được sự công nghĩa thánh sạch và nhân từ thương xót vô biên của Ngài, cho nên họ không tin vào Ngài và không kính mến Ngài. Khi họ không kính mến Chúa Trời thì họ không hiểu được đạo của nước Thiên Đàng. Rốt cuộc ma quỉ đến cướp lấy những lời đã gieo trong lòng họ, cho nên họ sẽ không được cứu chuộc.

Xin các anh chị em Tín Đồ Cơ Đốc để ý, các bạn đừng nghĩ rằng: “Ta đã tin vào Chúa Giê-su thì ta hẳn không thuộc hạng người này và ta hẳn được cứu chuộc.” Tôi phải nói ra sự thật, ngày nay có nhiều người mang danh là Tín Đồ Cơ Đốc, nhưng họ lại chưa hề thực sự tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su. Khi họ không tin thì họ sẽ không được cứu chuộc.

Tại sao có những Tín Đồ Cơ Đốc lại chưa hề thực sự tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su? Bởi vì họ tuy mang danh là Tín Đồ Cơ Đốc nhưng họ lại không vâng phục Chúa Trời và không sống theo lời dạy của Ngài. Đức tin chân chính trong Kinh Thánh không phải chỉ là tin tưởng trong đầu óc thôi, đức tin trong Kinh Thánh luôn luôn bao gồm sự vâng phục. Nếu một người thực sự tin vào Chúa Trời thì người ấy phải vâng phục Ngài. Nếu kẻ nào nói mình tin vào Chúa Trời nhưng lại không sống theo lời dạy của Ngài thì người ấy không có thực sự tin vào Ngài.

Rô-ma 1:5. 5 nhờ Chúa chúng tôi đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ để vì danh Chúa mà đem mọi dân tộc đến sự vâng phục của đức tin.

Rô-ma 16:26. 26 mà bây giờ được khải thị bởi các sách tiên tri, và theo lệnh của Chúa Trời hằng sống, cho mọi dân tộc nhận biết để đem họ đến sự vâng phục của đức tin,

Từ ngữ “sự vâng phục của đức tin” trong hai đoạn Kinh Thánh trên cho ta thấy rằng sự vâng phục là thể hiện ra bên ngoài của một đức tin chân thành ở bên trong. Nếu chúng ta có một đức tin chân thành, thì đức tin ấy sẽ thể hiện ra bên ngoài một cuộc đời vâng phục Chúa Trời.

Giăng 5:46 – 47. 46 Vì nếu các ngươi tin Môi-se, thì các ngươi hẳn tin ta, vì người đã viết về ta. 47 Nhưng nếu các ngươi chẳng tin những lời người ghi chép, thì làm sao các ngươi tin lời ta?

Hết thảy người Do Thái đều tin Môi-se và những lời người ghi chép, tại sao Chúa Giê-su lại nói rằng họ không tin những lời Môi-se viết? Ấy là tại vì người Do Thái tuy nói bằng mồm rằng họ tin những lời Môi-se viết, nhưng đa số lại không vâng phục lời Môi-se đã ghi chép, cho nên Chúa Giê-su nói rằng họ không tin vào Môi-se.

Ngày nay có nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc cũng vậy, họ sống một cuộc sống ích kỹ, không có lòng yêu thường người, có người còn chưởi rủa, ăn chơi sa đọa, nói dối, thậm chí phạm tội tà dâm nữa. Ngay cả nhiều người ngoại đạo cũng chẳng làm những chuyện này. Những người Tín Đồ như vậy đã làm nhục cái Danh của Chúa Trời và Chúa Giê-su trước mặt người đời, họ chưa hề thực sự tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su, tương tự như Chúa Giê-su nói rằng những người Do Thái đó không tin Môi-se vậy.

Nếu ta muốn được ơn cứu chuộc thì ta phải thực sự tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su, có nghĩa là chúng ta tin tưởng trong đầu óc của mình, và đồng thời chúng ta sống một cuộc sống hoàn toàn vâng phục lời của Chúa.

Hơn nữa chúng ta còn phải hiểu đạo của nước Thiên Đàng. Các bạn đừng nghĩ rằng: “Ta không phải là thầy truyền đạo, cũng không phải là mục sự, ta chỉ là một người tin vào Chúa Giê-su thôi, ta không cần phải học tập hiểu rõ lời dạy trong Kinh Thánh, ta chỉ cần tin rằng Chúa Giê-su là Con của Chúa Trời, Chúa chịu chết trên cây thập tự để cứu vớt ta, ta chỉ cần tin những điều căn bản này là đủ rồi, còn hiểu rõ những lời dạy trong Kinh Thánh thì không phải là cần thiết cho ơn cứu chuộc, ai muốn học thì học, ai không muốn học thì cũng chẳng sao.” Tôi phải nói ra sự thực cho các bạn nghe, ý tưởng như vậy là hoàn toàn sai lầm và nguy hiểm vô cùng. Chúa Giê-su dạy rằng chính vì những người đó không hiểu đạo của nước Thiên Đàng, cho nên quỉ dữ đến cướp lấy đạo lý đã gieo trong lòng của họ, khiến họ không tin và rốt cuộc họ không được cứu chuộc.

Những Người Trong Trường Hợp Thứ Hai Cần Phải Ăn Năn Hối Cải Trở Về Với Chúa Trời

Trong trường hợp thứ hai, một số hột giống thì rơi nhằm chỗ đất đá sỏi, không có nhiều đất, cho nên giống mọc lên liền, nhưng khi mặt trời mọc lên thì bị đốt, và vì không có rễ nên chết khô. Ấy là tượng trưng cho những người nghe đạo của nước Thiên Đàng thì vui mừng nhận lấy liền, nhưng trong lòng của họ không có rễ, họ chỉ tin tạm thời thôi, đến khi vì đạo mà gặp cực khổ hay bắt bớ, thì họ vấp ngã liền.

Những người này có được cứu chuộc không?

Cho dù chúng ta vấp ngã phạm tội, nhưng Chúa Trời là nhân từ thương xót vô biên, khi ta ăn năn hối cải trở về với Ngài thì Ngài sẽ tha tội cho ta. Ngay cả sứ đồ Phi-e-rơ cũng từng vấp ngã, người đã chối Chúa Giê-su ba lần, nhưng khi người ăn năn hối cải thì Chúa tha tội cho người.

Nhưng cái câu hỏi quan trọng là những người trong trường hợp thứ hai này có chịu ăn năn hối cải không?

Họ vấp ngã là tại vì trong lòng của họ không có rễ (Ma-thi-ơ 13:20 – 21). Tại sao lời của Chúa không có bén rễ trong lòng họ?

Giê-rê-mi 17:7 – 8. 7 Phước cho kẻ nhờ cậy Ðức Gia-vê, và lấy Ðức Gia-vê làm sự trông cậy mình. 8 Người giống như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ theo dòng sông. Không sợ nắng hạ đến, lá vẫn xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo, cứ ra trái không ngừng.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng kẻ nhờ cậy Chúa Trời Gia-vê và lấy Ngài làm sự trông cậy mình thì giống như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ theo dòng sông. Cho dù trời nắng hay hạn hán cũng chẳng lo, lá cây vẫn xanh tươi và ra trái không ngừng. Ánh nắng và hạn hán là so sánh với bắt bớ đau khổ (Ma-thi-ơ 13:6, Ma-thi-ơ 13:20 – 21). Người này có thể đứng vững trong bắt bớ đau khổ, tại vì người trông cậy vào Chúa Trời Gia-vê.

Ngược lại kẻ nào không có nhờ cậy vào Chúa Trời Gia-vê thì người không có rễ trong lòng. Khi người này gặp cực khổ bắt bớ thì người vấp ngã liền.

Nếu một người Tín Đồ Cơ Đốc lại không nhờ cậy vào Chúa Trời Gia-vê thì người ấy không hề nhận biết Ngài (xin đọc bài giảng “Sự Sống Đời Đời Là Nhận Biết Chúa Trời Chân Thật Duy Nhất Cùng Chúa Giê-su Christ”), đức tin của người không phải là đức tin chân chính trong Kinh Thánh. Bởi vậy khi người ấy vấp ngã phạm tội thì khó mà ăn năn hối cải trở về cùng Chúa Trời (Xin đọc bài giảng “Giăng Báp-tít Dọn Đường Của Chúa Giê-su” để biết rõ ý nghĩa của ăn năn hối cải). Nếu người ấy không ăn năn hối cải thì người sẽ không được cứu chuộc, tương tự như khi hột giống héo tàn thì sẽ chết đi.

Sứ đồ Phi-e-rơ có một đức tin rất chân thành, sứ đồ vui lòng chịu chết vì cớ của Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 26:35), cho nên sứ đồ có thể ăn năn hối cải sau khi người chối bỏ Chúa Giê-su ba lần.

Tôi rất ái ngại khi tôi nghe những người rao truyền Tin Lành không nói theo Kinh Thánh mà cứ dùng những lời lẽ khéo léo để thuyết phục người đời tin nhận Chúa Giê-su. Có người nói rằng nếu ta tin vào Chúa Giê-su thì Chúa sẽ ban tiền tài giàu sang cuộc sống hạnh phúc tốt đẹp. Có người thì nói rằng ta chỉ cần tin nhận Chúa một lần thôi là đủ rồi, bao nhiêu nan đề khó khăn đều tiêu tan hết, nhưng họ không nhắc đến việc vâng phục lời dạy của Chúa.

Những lời rao truyền này là hoàn toàn trái ngược với lời dạy trong Kinh Thánh. Chúa Giê-su dạy rằng Chúa Trời Gia-vê sẽ cung cấp cho ta đồ ăn quần áo và những điều cần thiết cho cuộc sống, Ngài sẽ ban cho ta vui vẻ, bình yên trong lòng nếu ta theo đuổi đường lối của Ngài. Nhưng Chúa không hề nói rằng Chúa Trời sẽ ban tiền tài giàu sang cho ta khi ta tin vào Ngài, ngược lại Chúa dạy bảo ta đừng có ham mê tiền tài hưởng thụ, và ta phải bán hết gia tài mà quyên tặng cho kẻ nghèo rồi đi theo Chúa. Chúa không hề nói rằng khi ta đi theo Chúa thì hết thảy nan đề khó khăn đều tiên tan hết, ngược lại Chúa dạy rằng khi ta đi theo Chúa thì người đời sẽ bắt bớ ta, nhưng Chúa hẹn rằng Chúa sẽ luôn luôn ở cùng với ta để giúp đỡ ta. Hơn nữa ta không phải chỉ tin nhận Chúa Giê-su một lần thôi, mà ta phải suốt đời vâng phục Chúa đi theo đường lối của Chúa.

Khi người ta dùng những lời lẽ ngọt ngào để thuyết phục người đời tin nhận Chúa Giê-su, thì đức tin của những người nghe đạo rất nông cạn, họ tựa như những hột giống chưa bén rễ đã mọc lên liền. Sau này khi những người này gặp cực khổ bắt bớ thì họ sẽ vấp ngã liền, và khi họ vấp ngã thì đức tin của họ cũng tiêu tan luôn, bởi vì ngay từ ban đầu họ tưởng rằng họ sẽ được giàu sang sung sướng, ai ngờ lại bị cực khổ bắt bớ, họ sẽ nghĩ rằng lời của Chúa không phải là chân thật.

Nhưng một mặt khác cho dù chúng ta tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su đã lâu năm rồi, chúng ta đừng có quá tự tin nghĩ rằng: “Ta đây hẳn có rễ trong lòng rồi, ta không có vấp ngã như vậy.” Tôi không dám nghĩ rằng tôi hẳn có thể đứng vững trước mọi sự cực khổ bắt bớ, ngược lại tôi thường kêu cầu Chúa Trời Gia-vê giúp đỡ tôi có thể gìn giữ trung tín với Ngài cho đến cùng. Đồng thời tôi hằng cố gắng học tập và sống theo lời dạy trong Kinh Thánh, như vậy lời của Chúa Trời mới có thể đâm rễ trong lòng tôi ngày càng sâu hơn.

Nói tóm lại những người trong trường hợp thứ hai vấp ngã phạm tội khi gặp cực khổ bắt bớ, nếu họ không ăn năn hối cải thì họ sẽ không được cứu chuộc.

Những Người Trong Trường Hợp Thứ Ba Sẽ Không Được Cứu Chuộc

Trong trường hợp thứ ba, có một số hột giống rơi nhằm bụi gai, khi giống mọc lên thì bụi gai cũng mọc lên cùng một lượt, rồi bụi gai khiến cây đó chết nghẹt. Ấy là tượng trưng cho những người nghe đạo rồi, nhưng sự lo lắng về đời này và sự dối trá của giàu sang khiến đạo lý bị chết nghẹt mà không kết quả được.

Không chừng có người nghĩ rằng những kẻ trong trường hợp này vẫn tin vào Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su, họ không có vấp ngã chối bỏ Chúa, họ chỉ là không có kết quả thôi, như vậy chắc được cứu chuộc chứ!

Hỡi các bạn ơi, kết quả thì rất quan trọng, Chúa Giê-su dạy rằng nếu chúng ta không kết quả thì Đức Cha sẽ chặt ta đi.

Giăng 15:1 – 3. 1 Ta là cây nho thật, và Cha ta là người trồng nho. 2 Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt đi; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả để được càng nhiều quả hơn. 3 Các ngươi đã được trong sạch vì nhờ vào lời ta truyền dạy các ngươi.

Giăng 15:5. 5 Ta là cây nho, các ngươi là nhánh. Ai ở trong ta và ta ở trong người thì người ấy kết được nhiều quả; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.

Giăng 15:8. 8 Cha ta được vinh diệu là bởi điều này: các ngươi kết nhiều quả và chứng tỏ là môn đồ của ta vậy.

Qua những đoạn Kinh Thánh trên, các bạn thấy kết quả là quan trọng đến dường nào! Chúa Giê-su là cây nho, còn chúng ta là nhánh nho. Nếu chúng ta hằng ở trong Chúa thì chúng ta sẽ kết được nhiều quả. Khi ta kết được nhiều quả, thì Đức Cha ở trên trời sẽ được vinh diệu, có nghĩa là khi ta kết được nhiều quả thì người đời sẽ khen ngợi Chúa Trời, và họ sẽ bị thu hút trở về với Ngài. Và chính là khi chúng ta kết nhiều quả thì chứng tỏ rằng ta quả thực là môn đồ của Chúa Giê-su. Ngược lại nếu chúng ta không kết quả thì Chúa Trời sẽ chặt ta đi. Nếu chúng ta bị chặt đi rồi thì hậu quả là sao?

Giăng 15:6. 6 Nếu ai chẳng ở trong ta thì người tựa như một nhánh cây bị ném ra ngoài và khô đi; người ta gom lại những nhánh đó, quăng vào lửa, thì họ cháy.

Nếu chúng ta bị chặt đi thì tựa như nhánh nho bị ném ra ngoài, nhánh sẽ khô đi, rồi người ta lượm lấy những nhánh ấy và quăng vào lửa.

Những kẻ đã chịu lấy đạo của nước Thiên Đàng gieo trong lòng mà không kết quả thì rốt cuộc sẽ bị quăng vào lửa, họ sẽ không được cứu chuộc. Bởi vậy các bạn đừng tưởng rằng: “Kết quả là chuyện nhỏ thôi, nếu ta kết được quả thì tốt, nhưng nếu ta không kết quả thì cũng chẳng sao.” Ý tưởng này là hoàn toàn sai lầm, ấy là trái ngược với lời dạy trong Kinh Thánh.

Vậy kết quả có nghĩa là gì?

Ga-la-ti 5:22 – 23. 22 Nhưng quả của Thánh Linh là: lòng yêu thương, sự vui mừng, bình yên, kiên nhẫn, nhân từ, hiền lành, trung tín, 23nhu mì, tiết độ. Không có luật pháp nào ngăn cấm các sự đó.

Kết quả có nghĩa là ta có mang quả của Thánh Linh. Một cái quả của Thánh Linh gồm chín đức tính này: lòng yêu thương, sự vui mừng, bình yên, kiên nhẫn, nhân từ, hiền lành, trung tín, nhu mì, tiết độ (Xin đọc bài giảng “Nhánh Của Cây Nho” để hiểu rõ hơn về chức vụ của nhánh nho và kết quả).

Nếu cuộc sống và tính tình của chúng ta có bày tỏ chín đức tính này thì ta có thể làm vinh diệu Danh của Chúa Trời, ta chứng tỏ cho người đời biết ta là môn đồ của Chúa Giê-su, và ta có thể thu hút người đời về với Chúa Trời. Ngược lại nếu ta không có chín đức tính này thì ta không có kết quả của Thánh Linh, Chúa Trời sẽ chặt ta đi, ta sẽ khô héo, rồi bị quăng vào lửa, như vậy thì lẽ dĩ nhiên ta sẽ không được cứu chuộc.

Những Người Trong Trường Hợp Thứ Tư Có Thể Kết Quả

Sau cùng trong trường hợp thứ tư, hột giống rơi nhằm chỗ đất tốt nên có thể sinh trưởng mang trái. Ấy là tượng trưng cho những người nghe đạo và hiểu rõ, họ kết quả đến nỗi một hột ra một trăm, hột khác sáu chục, hột khác ba chục.

Đất đai là tượng trưng cho tấm lòng của con người, vậy chỗ đất tốt tức là một tấm lòng tốt. Khi những người có tấm lòng tốt nghe đạo thì họ hiểu rõ, và họ có thể kết quả.

Một tấm lòng tốt là một tấm lòng như thế nào?

Mác 4:20. 20 Còn những người khác như hột giống gieo vào nơi đất tốt, họ nghe đạo thì nhận lấy và kết quả, một hột ra ba chục, hột khác sáu chục và hột khác nữa một trăm.

Khi những người có tấm lòng tốt nghe đạo thì họ nhận lấy. Nhận lấy đạo có nghĩa là gì?

Nguyên văn Hy-lạp của từ ngữ “nhận lấy” là “παραδέχομαι” (đọc là pa-ra-đê-khô-mai). Chữ này có thể dịch là nhận lấy, thừa nhận là chân thật, tiếp nhận một cách thiện cảm.

Công vụ các sứ đồ 15:4. 4 Khi họ đến thành Giê-ru-sa-lem, họ được Hội thánh, các sứ đồ và trưởng lão tiếp rước, rồi họ báo cáo mọi điều Chúa Trời đã cùng làm với mình.

Nguyên văn Hy-lạp của từ ngữ “tiếp rước” trong đoạn Kinh Thánh này chính là “παραδέχομαι”.

Công vụ các sứ đồ 22:18. 18 và thấy Chúa Giê-su nói cùng tôi rằng: “Hãy nhanh lên, ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem ngay vì họ sẽ không thừa nhận lời làm chứng của ngươi về ta.”

Trong đoạn Kinh Thánh này, chữ “παραδέχομαι” được dịch là “thừa nhận”.

Hê-bơ-rơ 12:6. 6 Vì Đức Gia-vê sửa phạt kẻ Ngài yêu, và ai được Ngài nhận làm con thì Ngài cho roi cho vọt.

Chữ “παραδέχομαι” được dịch là “nhận” trong đoạn Kinh Thánh này. Xin các bạn để ý, kẻ được Ngài nhận làm con chính là kẻ Ngài yêu. Bởi vậy “παραδέχομαι” còn bao gồm ý nghĩa “yêu thương” nữa.

Bây giờ chúng ta tổng hợp lại những điểm ở trên. “Nhận lấy” trong nguyên văn Hy-lạp là chữ “παραδέχομαι”, chữ này bao gồm những ý nghĩa này : nhận lấy, thừa nhận là chân thật, tiếp nhận một cách thiện cảm, yêu thương. Nếu chúng ta có một tấm lòng tốt, khi chúng ta nghe đạo thì ta nhận lấy đạo, ta thừa nhận đạo của nước Thiên Đàng là chân thật, ta tiếp nhận và yêu thương đạo.

Khi lời dạy của Chúa Giê-su chỉ ra những tội lỗi trong lòng ta, ta thấy khó chịu lắm. Nếu chúng ta không muốn ăn năn hối cải tội lỗi của mình, thì ta không muốn nhận lấy lời của Chúa. Hơn nữa có những điều răn của Chúa là cực kỳ khó khăn, nào là tha thứ cho người ta, yêu thương kẻ thù nghịch của mình, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình, yêu thương người lân cận như mình, bán hết gia tài mà quyên tặng cho kẻ nghèo v.v. Nếu chúng ta không muốn vâng theo những điều răn này, thì ta không muốn nhận lấy lời của Chúa.

Lời dạy của Chúa Giê-su quả thật là khó khăn, loài người không cách nào thực hành được bằng khả năng của mình, chỉ khi Chúa Trời ban quyền năng để giúp đỡ ta thì ta mới có thể vâng giữ lời dạy của Chúa Giê-su. Khi ta phó thác cuộc sống của mình hoàn toàn cho Chúa Trời thì Ngài sẽ ban quyền năng cho ta, rồi ta có thể vâng giữ lời dạy của Chúa Giê-su.

Lu-ca 8:15. 15 Nhưng hột giống ở nơi đất tốt là những người nghe đạo bằng một tấm lòng thành thật tốt lành, gìn giữ và nhờ kiên trì mà kết quả.

Khi chúng ta nghe đạo, chúng ta không phải chỉ vâng giữ một hồi thì bỏ dở không theo nữa. Nếu ta muốn có kết quả thì phải gìn giữ lời của Chúa bằng tính kiên trì bền chí.

Nói tóm lại những người có tấm lòng tốt là những người thừa nhận đạo của nước Thiên Đàng là chân thật, họ tiếp nhận và yêu thương đạo. Khi những người này nghe đạo thì họ hiểu rõ, và họ gìn giữ lời của Chúa bằng tính kiên trì bền chí, rồi họ sẽ kết quả làm vinh diệu Danh của Chúa Trời.

Kết Luận

Hôm nay chúng ta đã học tập phần thứ hai của ví dụ của người gieo giống. Ta thấy rằng những người trong trường hợp thứ nhất, thứ hai và thứ ba đều không được cứu chuộc trừ phi tấm lòng của họ thay đổi. Chúng ta không cách nào khiến cho tấm lòng của mình trở nên tốt lành, chỉ có Chúa Trời mới có quyền năng thay đổi tấm lòng của ta. Cho nên ta phải cẩn thận, đừng có tự cao tự tin, mà hãy tự hạ mình xuống mà kêu cầu Chúa Trời xem xét tấm lòng của ta và biến hóa lòng ta thành một tấm lòng tốt có thể kết quả.

Xin các bạn để ý, trong số những người có lòng tốt thì có người kết quả ba chục, có người sáu chục, có người một trăm. Một tấm lòng càng tốt thì kết quả càng nhiều. Tôi muốn kết quả được một trăm lần để dâng lên làm của lễ cho Đức Cha ở trên trời. Các bạn có muốn kết quả không? Các bạn hãy nhớ rằng những nhánh nho không kết quả thì sẽ bị Đức Cha chặt đi, nhánh nho sẽ héo tàn, sau cùng thì bị quăng vào lửa mà đốt cháy.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church